Pù Luông
Lịch sử tên gọi:
Pù Luông là tên gọi của đồng bào dân tộc Thái có nghĩa là đỉnh núi cao nhất của tỉnh Thanh Hoá. Cũng chính dãy núi này quân đội Pháp đã xây dựng pháo đài và sân bay trên đỉnh núi Pù Luông để khống chế con đường tiếp vận của dân công, bộ đội trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Con đường 15C chạy giữa Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông đã trở thành con đường huyền thoại trong chiến dịch Điện Biên Phủ trong thể kỷ thứ 20. Pù Luông được biết đến một khu rừng hoang sơ của hệ sinh thái núi đá vôi được trải dài từ Mai Châu tỉnh Hòa Bình nối với Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn và Vườn quốc gia Cúc Phương tạo thành liên khu sinh cảnh đá vôi Pù Luông Cúc Phương, là mẫu quan trọng mang tính toàn cầu về hệ sinh thái Karst là khu vực đất thấp duy nhất còn lại rừng sinh cảnh núi đá vôi ở miền Bắc Việt Nam. Khu vực này đã được người Pháp phát hiện ra khu nghỉ mát ở trên đỉnh núi tại 2 điểm Son, Bá, Mười xã Lũng Cao và đỉnh Pù Luông tại khu vực xã Thành Sơn; nhưng do điều kiện chiến tranh người Pháp chưa phát triển khu này thành nơi nghỉ mát ở trên núi. Ở đây thời tiết quanh năm mát mẻ và đã trồng các loài cây thuốc quý.
Văn hóa:
Mường ống, Mường ai là nơi phát tích của sử thi đẻ đất, đẻ nước của dân tộc Mường, là những nơi Mường Cổ, lưu giữ nhiều vốn quý về văn hóa dân gian với các truyện, thơ Mường đặc sắc với Cây chú đá, lá chu đồng. Mường Khoòng là nơi phát tích trường ca Khăm Panh của dân tộc Thái. Một nơi có vẽ đẹp kỳ vĩ, được bao bọc với những dãy núi đá vôi, với ruộng bậc thang, với những khu rừng bát ngát và những ngôi làng thi vị nằm nép mình ở đó. Khám phá những con đường độc nhất ở Pù Luông. Trải nghiệm cuộc sống và nét văn hóa hàng ngày của người Thái và người Mường và ở trong những ngôi nhà sàn của những ngôi làng tuyệt đẹp. Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông được thành lập năm 1999, sau khi người ta phát hiện ra là khu vực núi đá vôi độc nhất này là nơi cư ngụ cuối cùng của một số loài động vật rất quý hiếm như Voọc mông trắng, Báo gấm, Beo lửa, Hươu sao, Gấu ngựa và Sơn dương. Nơi này cũng nổi tiếng với các loài bướm và phong lan. Đã có rất nhiều loại phong lan mới được phát hiện trong một cuộc khảo sát sinh vật học năm 2004. Người bản địa ở đây đa số là người dân tộc Thái và dân tộc Mường.
Tiềm năng du lịch:
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông ở vị trí trung tâm với nhiều điểm du lịch bao quanh như Khu BTTN Pù Hu, Xuân Liên, khu di tích Lam Kinh, suối cá thần Cẩm Lương, Thành Nhà Hồ, Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), Mai Châu (Hòa Bình)… kết hợp tạo thành một mạng lưới du lịch, sinh thái giàu tiềm năng, hấp dẫn trong khu vực. Trong tương lai gần các thôn(bản) nơi đây hứa hẹn sẽ cung cấp những dịch vụ tham quan, khám phá, giáo dục môi trường, nghiên cứu, học tập, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng
Các điểm thăm quan, du lịch hấp dẫn ở Pù Luông:
– Bản Hang: Là bản nằm gọn trong thung lũng thuộc địa phận xã Phú Lệ huyện Quan Hóa cách điểm du lịch Mai châu 20km về phía Tây Bắc. Bản Hang là bản du lịch hấp dẫn khách thăm quan bởi người dân thân thiện và mang đậm bản sắc dân tộc Thái có phần giao thoa với các dân tộc thuộc tỉnh Hòa Bình. Khách thăm quan đến với bản Hang không chỉ thưởng thức cảnh quan, khám phá hang động mà còn được giao lưu thưởng thức nét độc đáo của văn hóa dân tộc địa phương.
– Bản Kho Mường: những kiến tạo của hệ thống núi đá vôi là điểm nhấn của bản Kho Mường với hang động kỳ thú, là nơi sinhh sống của nhiều loài Dơi trong đó có cả những loài đặc hữu cần được bảo vệ. Hang Kho Mường có cửa hang rộng (60m) và lòng hang nhiều cột đá, nhũ nhiều màu sắc tạo hình độc đáo. Hang Kho Mường là điểm thăm quan hấp dẫn và là nơi phù hợp cho nghiên cứu học tập.
– Bản Hiêu: là bản thuộc vùng lõi Khu bảo tồn mang những đặc trưng của hệ sinh thái núi đá vôi. Điểm nổi bật của bản Hiêu và dòng thác Hiêu trải dài nằm uốn lượn theo sườn những thửa ruộng bậc thang tạo nên nét hoang sơ, thú vị. Bản Hiêu được du lịch yêu thích và là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng cho nhiều đối tượng khách thăm quan.
– Bản Son, Bá, Mười: là 3 bản nằm trong vùng lõi Khu bảo tồn trên độ cao 100m so với mực nước biển, ba bản đã làm nên nét độc đáo của Khu bảo tồn với đặc trưng khí hậu ôn đới quanh năm mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên phong phú và nét đẹp văn hóa khu biệt, nơi đây được ví như Sapa của xứ Thanh. Trong thời gian không xa bản Son, Bá, Mười sẽ là điểm du lịch thu hút nhiều sự quan tâm của du khách, các công ty du lịch, các tổ chức khai thác và đầu tư.
– Bản Đôn: Là bản nằm trên trục đường 15C cách trung tâm huyện 10km là bản đang được khai thác loại hình du lịch sinh thái có sự đầu tư của công ty du lịch, xây dựng khu nghỉ dưỡng đang được đưa vào sử dụng để đón khách. Bản Đôn có cảnh quan đặc trưng là những thửa ruộng bậc thang men theo triền núi thuộc dải núi Pù Luông đan xen trong bản làng với lượng dân cư đông đúc, với văn hóa Thái độc đáo và thân thiện.
– Đỉnh Pù Luông: Với độ cao 170m so với mực nước biển thích hợp là loại hình du lịch mạo hiểm, khám phá , đỉnh Pù Luông phù hợp cho những du khách thích khám phá và gần gũi với thiên nhiên, có điểm cắm trại qua đêm cho du khách.
– Hang Co Phường- Bản Sại – Phú Lệ – Quan Hóa: di tích cánh mạng cấp tỉnh, là nơi hy sinh của 11 dân công hỏa tuyến vận chuyển lương thực cho chiến dịch Thượng Lào, Điện Biên Phủ năm 1953. Để tưởng nhớ và ghi công sự hy sinh của các dân công hỏa tuyến Nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ dân công hỏa tuyến được xây dựng tại Bản Sại, xã Phú Lệ, huyện Quan Hóa.
– Đồn Cổ Lũng, Sân bay Cổ Lũng- xã Cổ Lũng- Bá Thước: là di tích lịch sử cấp tỉnh ghi nhận năm 2005, đồn Cổ Lũng là nơi đóng quân của quân Pháp, ngụy binh và bè lũ Lào gian tay sai trong những năm 1947-1949 khi thực dân Pháp thực hiện âm mưa đóng chiếm nước ta lần nữa. Đồng thời, để có thể thường xuyên tiếp tế lương thực, tăng cường viện binh, chúng đã lấy khu đất bằng phẳng phía sau sử dụng làm nơi máy bay lên xuống, nơi này được gọi là sân bay. Hiện nay, di tích nằm trên địa bàn bản Lọng xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước.